Cô gái Tày 'đánh thức' bản làng đẹp mê ly để khởi nghiệp

  • Thứ hai, 11:59 Ngày 30/07/2018
  • Một bản làng đẹp mê ly ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã “ngủ quên” nơi núi rừng. Vào cuối năm 2017, một cô gái 9x người dân tộc Tày đã bắt tay “đánh thức” tiềm năng của quê hương để khởi nghiệp.

     

    Cô gái Hoàng Thị Ngọt đang thực hiện ước mơ khởi nghiệp trên quê hương /// Ảnh do nhân vật cung cấp

    Cô gái Hoàng Thị Ngọt đang thực hiện ước mơ khởi nghiệp trên quê hương

    Chị Hoàng Thị Ngọt (24 tuổi) sinh ra và lớn lên ở bản Khéo, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, nơi có cảnh quan thiên nhiên rất kỳ thú. Những nếp nhà sàn ẩn dưới chân núi đá trùng điệp. Bao quanh bản làng là những hang động kỳ bí và những mỏ nước, thác xả tràn, tạo ra nhưng hồ bơi với dòng nước trong vắt, mát lành… Tuy nhiên, những cảnh đẹp này chưa được nhiều du khách biết đến, nên nơi đây được ví như một thung lũng bản Tày bị bỏ quên.

    Cô gái Tày 'đánh thức' bản làng đẹp mê ly để khởi nghiệp - ảnh 1

    Những mỏ nước thiên nhiên hoang dã ở bản Khéo

    Đặc biệt, bản Khéo có tới 98% là người Tày với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng những năm gần đây, nghề này đã bị mai một. “Cả xã Lâm Thượng trước những năm 1990 cứ trung bình mỗi gia đình có 1 chiếc khung cửi để dệt vải, nhưng những năm 2.000 trở lại đây, số lượng người dệt vải giảm mạnh, và hiện nay chỉ có 2 nghệ nhân vẫn còn dệt, có thể tạo văn trên khung cửi để dệt vải”, chị Ngọt cho hay.

    Chị Ngọt đã trăn trở làm thế nào để bảo tồn nghề dệt của cha ông và phát triển kinh tế trên quê hương. Sau khi hoàn thành khóa học về quản lý văn hóa của Trường đại học Văn hóa, chị Ngọt quyết định về quê khởi nghiệp với dự án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

    Chị Ngọt cho biết, dự án được xây dựng thành 2 giai đoạn. Từ cuối 2017 - 2018, chị cùng người dân địa phương khôi phục lại nghề dệt và xây dựng không gian du lịch cộng đồng. Sau đó sẽ phát triển du lịch và sản xuất thổ cẩm phục vụ du khách và bán ra thị trường. Hiện chị Ngọt đang trong quá trình bảo tồn và sưu tầm các khung cửi dệt và tu sửa nhà truyền thống của bản Tày.

    Cô gái Tày 'đánh thức' bản làng đẹp mê ly để khởi nghiệp - ảnh 2

    Bản người Tày với những mái nhà sàn dưới chân dãy núi đá vôi hùng vĩ

    “Hiện nay, toàn xã Lâm Thượng chỉ còn căn nhà của bố chồng tôi còn giữ được kiểu kiến trúc lâu đời nhất. Căn nhà được dựng từ năm 1962, chưa qua một lần tu sửa nào. Vì vậy, tôi cùng gia đình sẽ tu sửa, quy hoạch lại thành nhà truyền thống của bản và toàn xã. Không gian tại nhà truyền thống sẽ có sự kết hợp giữa việc trưng bày và tái hiện không gian văn hóa và nghề dệt thổ cẩm xưa…”, chị Ngọt chia sẻ.

    Du khách sẽ có trải nghiệm thú vị

    Chị Ngọt cũng cho biết, nhà truyền thống sẽ đón khách tham quan và chỉ đón lượng khách ở theo mô hình homestay (tối đa là 2 khách), giành cho những khách đặc biệt muốn tìm hiểu văn hóa. Còn hệ thống homestay ngay sát bên, ngăn cách bởi hàng rào hoa râm bụt, có lối thông với nhà truyền thống. Tại các ngôi nhà sàn này sẽ được thiết kế theo kiểu hiện đại: có lát sàn, cánh cửa, đệm, rèm… đủ tiêu chuẩn đón khách.

    Hiện chị Ngọt đã khôi phục và thử nghiệm thành công nhuộm thổ cẩm chàm và đã có sản phẩm là vải chàm truyền thống. Có 1 homstay đã nhận bán sản phẩm. Đồng thời, bản Khéo đang phát động phong trào “nhà sạch, bản đẹp”, mỗi nhà sẽ đăng ký là nhà sạch có trồng hoa, rau... Toàn bản đã ra quân đợt 1, trồng hoa ven đường quanh bản với mục tiêu cùng nhau giữ gìn bản sạch đẹp để đón khách du lịch.

    Khách đến bản Khéo sẽ được trải nghiệm những hoạt động thú vị như: ăn, ngủ, nghỉ tại nhà dân, làm việc cùng người dân, leo núi khám phá hệ thống hang động, tắm mỏ thác, đạp xe quanh bản… Và đặc biệt là hoạt động tham quan nhà truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và mua đặc sản tại Không gian tiêu thụ nông sản…

    “Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tai bản Khéo là một trong những mục tiêu quan trọng để bảo tồn nghề dệt vì khi cả cộng đồng làm du lịch, có thu nhập, họ sẽ hiểu được giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đặc biệt, dự án sẽ giải quyết việc làm bền vững cho các đoàn viên thanh niên và phụ nữ trong xã; đồng thời sẽ là cánh cửa để giải quyết đầu ra nông sản cho người dân địa phương”, chị Ngọt cho biết.

    Cô gái Tày 'đánh thức' bản làng đẹp mê ly để khởi nghiệp - ảnh 3

    Du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị tại bản Khéo

    Dự án khởi nghiệp của chị Ngọt đã được bình chọn là 1 trong 60 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo toàn quốc, khi tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên nông thôn do T.Ư Đoàn tổ chức. Hiện chị Ngọt đang xúc tiến dự án và có thể đón khách du lịch vào tháng 8. Chị Ngọt cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có chung mong muốn đóng góp cho cộng đồng xã hội cùng thực hiện dự án này.

    Đánh giá về dự án, bà Hoàng Thị Sới, Tổ trưởng tổ phụ nữ của bản Khéo, cho biết người dân địa phương rất ủng hộ đề án của chị Ngọt vì nó giúp ích cho cộng đồng. Nếu như nghề dệt thổ cẩm không được khôi phục lại thì sẽ bị mai một vì ít người trẻ thích làm.

    “Đây là dự án khả thi và được chúng tôi ủng hộ nhiệt tình. Vừa qua, chúng tôi đã kêu gọi được một nhóm thiện nguyện đến cải tạo cảnh quan, trồng hoa ven đường để hỗ trợ dự án. Khi Ngọt cải tạo lại nhà để làm nhà truyền thống, chúng tôi cũng giúp đỡ ngày công, còn các nghệ nhân trong làng thì đều sẵn sàng truyền lại nghề dệt để giúp Ngọt khởi nghiệp”, bà Sới nói.

    Theo Vũ Thơ - Thanh Niên

    TOP