Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi, một trong những sự kiện lớn kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh.

  • Thứ ba, 16:40 Ngày 02/07/2019
  • Quảng Ngãi sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tham gia định hướng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khi đến nơi đây đầu tư. 

    Chiều nay, 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi, một trong những sự kiện lớn kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh.

    Tại hội nghị với chủ đề "Quảng Ngãi - Đồng hành cùng doanh nghiệp", có sự tham dự của gần 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư 14.538 tỷ đồng, thống nhất và trao ghi nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn 3.640 tỷ đồng.“Qua Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Quảng Ngãi mong muốn các nhà đầu tư, các tập đoàn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Quảng Ngãi, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm làm ăn lâu dài. Nơi đã tạo dựng được niềm tin cho các nhà đầu tư thông qua các cơ chế, chính sách nhất quán của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng phát biểu khai mạc Hội nghị.

    Hội nghị được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập Quảng Ngãi, một tỉnh chỉ có một vài xí nghiệp, nhà máy quốc dân những năm đầu tái lập nhưng đến nay đã có gần 600 dự án, tạo ra giá trị sản xuất cao và giải quyết lao động cho địa phương.

    Theo báo cáo, sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, đến nay Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vượt bậc - nhất là kể từ năm 2009, khi Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt động - đã tạo bước đột phá và giữ vai trò chủ lực ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 116.223 tỉ đồng, gấp gần 200 lần so với năm đầu tái lập tỉnh cách đây 30 năm (1989) với mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt gần 20%/năm.

    Đến nay, ngành công nghiệp tại Quảng Ngãi đã hình thành một số sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: các sản phẩm xăng, dầu, hạt nhựa của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các sản phẩm siêu trường, siêu trọng như lò hơi, thiết bị nâng hạ, hệ thống khử nước mặn; các thiết bị điện, sản phẩm điện tử… ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước trên thế giới.

    UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất với vốn đầu tư 54.000 tỉ đồng, công suất 4 triệu tấn sản phẩm/năm. Dự án này sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ cho tỉnh trong những năm tới. Dự kiến, sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, dự án trên sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỉ USD/năm, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Đặc biệt, sau khi nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh 4.000 tỉ đồng mỗi năm.

    Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm nay ước đạt gần 55.000 tỷ đồng. So năm 1989, GRDP tăng 19,5 lần (tăng trưởng bình quân 10,49%/năm). Từ chỗ thu ngân sách năm 1989 chỉ đạt 16 tỷ đồng đã tăng lên ở mức hơn 16.700 tỷ đồng vào năm 2010, năm 2019 ước đạt 20.000 tỷ đồng.

    Ông Trần Ngọc Căng giới thiệu, Quảng Ngãi có hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt, đảm bảo thuận lợi cho quá trình đầu tư phát triển, với tuyến Quốc lộ 1A nối liền Bắc Nam; hệ thống đường sắt Bắc Nam; đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, sân bay Chu Lai; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.

     

     

    Quang cảnh Hội nghị. 


    Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển 130 km, với các bãi biển đẹp như Bình Châu, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, huyện đảo Lý Sơn có thể phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác, nuôi trồng thủy sản.

    Với tiềm năng và thế mạnh của Quảng Ngãi, trong thời gian tới, định hướng của tỉnh là tập trung thu hút những dự án trong lĩnh vực: Hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa dầu, hóa chất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch dịch vụ, khai thác, nuôi trồng thủy sản,... với công nghệ tiên tiến, không tác động xấu đến môi trường; đồng thời khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, thể dục thể thao.

     

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh 6.

    Hơn 500 đại biểu dự hội nghị


    Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng tỉnh này có rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác xứng tầm và khẳng định tỉnh nhà luôn cam kết xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. 

    "Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tham gia định hướng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khi đến nơi đây đầu tư. Tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; nhất quán trong chính sách đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, xây dựng Quảng Ngãi từng bước trở thành "Điểm đến hấp dẫn" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước" - ông Căng khẳng định.

    Theo Nhóm PV NLĐ - CHINH PHU.

    TOP