Trái phiếu doanh nghiệp, lãi cao sao vẫn lao vào?

  • Thứ năm, 13:37 Ngày 06/08/2020
  • Theo Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI: trong Quý I/2020 các doanh nhiệp BĐS phát hàng 23,202 nghìn tỷ đồng Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), chiếm 49% tổng lượng phát hành, cao hơn 39% so với cùng kỳ 2019, lãi suất cao hơn 4% so với lãi suất vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành lãi suất 15-19%.

    Trái phiếu doanh nghiệp, lãi cao sao vẫn lao vào?  - 1

    Câu hỏi lớn đặt ra tại sao doanh nghiệp phải bỏ thêm tối thiểu 4% so với vay tiền từ ngân hàng trong khi lại không được hưởng những ưu đãi (dãn nợ, không tính lãi phát trả chậm, không nâng hạng mức nợ xấu....) từ gói “hỗ trợ tín dụng trong 300 nghìn tỷ” của hệ thống ngân hàng chung tay chống Covid trong khi không “ làm ăn được gì” thời covid ?

    TPDN, lãi cao doanh nghiệp vẫn phải lao vào

    Trong khi các cánh cửa kiếm tìm nguồn vốn, nguồn tiền nuôi doanh nghiệp, nuôi dự án ....đều đóng, tiền dự trữ hết hoặc cạn kiệt; vay ngân hàng thì hết hạn mức hoặc không có tài sản thế chấp; không có doanh thu bán hàng mới, khách hàng trả góp dừng nộp tiền theo tiến độ vì công trường dừng hoạt động..., thì phát hành TPDN thực sự là cứu cách vì dễ vay, dễ tiêu và dễ ..... rũ nợ.

    Không cần tài sản đảm bảo, không cần phải hoạt động có lãi, chẳng ai thẩm định dự án hay đánh giá năng lực trả nợ ( nghị định 63/2018/NĐ-CP)...vì vậy dễ vay hơn nhiều so với ngân hàng.

    Khi có tiền rồi thì thoả mái, tự mình quyết định chẳng ai kiểm soát dòng tiền ( mặc dù có ghi mục đích trong cáo bạch, nhưng thực tế không ai kiểm soát tiền đi đâu, về đâu)... trong khi đó nếu vay của ngân hàng thì phải sử dụng đúng mục đích, thậm chí đứng tên vay và chịu trách nhiệm nhưng không được nhận tiền vì ngân hàng giải ngân trực tiếp cho nhà thầu, khách hàng, chủ nợ của doanh nghiệp....

    Khác với vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phát hành TPDN được thoả mãn ngay cơn khát mà không phải lo dòng tiền trả nợ định kỳ cả vốn và lãi hàng tháng cho tới kỳ trả lãi thường là 1-2lần/năm hoặc thanh toán khi đáo hạn cùng tiền gốc. Có lẽ chỉ TPDN mới đảm đương được nhiệm vụ bất khả thi này vì trong bão Covid doanh nghiệp không có nguồn thu nến ngân hàng có hòa phóng cho vay cũng không xoay nổi tiền trả gốc + lãi hàng tháng.

    Ngân hàng luôn tính đúng, tính đủ dù vay ít hay vay nhiều, quá hạn thì tính lãi phạt và chuyển nhóm nợ, báo lên toàn hệ thống, trây ỳ thì cưỡng chế, kiện, yêu cầu DN phá sản, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra... vỡ nợ thì ngân hàng được ưu tiên giải quyết thu hồi công nợ...vv. Ngược lại, huy động vốn của cá nhân qua TPDN, Doanh nghiệp nhàn tênh vì gánh nặng được chia sẻ cho nhiều người, “gặp bão hất hàng cứu tàu” âu cũng là chuyện dễ hiểu, mấy ai đã thắng kiện doanh nghiệp, cũng khó có đủ lực để đẩy doanh nghiệp vào lao lý và tồi tệ là trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, phá sản.

    Hấp dẫn khó cưỡng đối với nhà đầu tư cá nhân

    Có lẽ lý do lớn nhất, thuyết phục nhất đưa đến quyết định mua TPDN là lợi nhuận, với mức lãi suất khó cưỡng cao hơn tối thiểu từ 3,5-4% so với lãi suất tiền gửi dài hạn, nhiều doanh nhiệp phát hành TPDN với mức lãi “ khủng” 14-19% gấp 2-3 lần lãi suất gửi tiết kiệm (lãi suất ngân hàng một năm hiện phổ biến ở mức 6,5-7%). So sánh với việc mua cổ phiếu, TPDN có phần chắc chắn hơn nếu người đầu tư có kiến thức và khả năng phân tích tình hình thị trường nói chung và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp nói riêng mà đỡ mất thời gian theo dõi thường xuyên.

    Ngoài lý do mang tính quyết định nêu trên, mỗi doanh nghiệp phát hành TPDN đều đưa ra những “bảo bối” to đùng, đó là ngân hàng, công ty chứng khoán bảo lãnh phát hành; công ty mẹ, tập đoàn mẹ.....hoặc công ty họ hàng đứng ra bảo lãnh.

    Không ít trường hợp nhà đầu tư cá nhân lựa chọn đầu tư TPDN chuyển đổi, theo đó trái chủ sẽ lựa chọn phương án tối ưu khi đáo hạn: hoặc là nhận lại tiền gốc và tiền lãi hoặc là chuyển thành cổ phần phổ thông theo các điều kiện và điều khoản đã được xác định và thống nhất trong phương án phát hành trái phiếu.

    Đơn vị phát hành, "ngư ông đắc lợi"

    “Ngư ông đắc lợi” có lẽ là cụm từ chuẩn không cần chỉnh đối với đơn vị phát hành: ngân hàng, công ty chứng khoán, định chế tài chính.....vì rằng, ngồi chơi, xơi 3,5-4% giá trị gói trái phiếu phát hành. Trường hợp không bán hết, đơn vị bảo lãnh phát hành thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh- bỏ tiền ra ôm một thời gian, sau đó rải quân lùa khách để chuyển nhượng cho khách hàng mới.

    Trong nhiều trường hợp, ngân hàng với tư cách là chủ nợ đã hợp tác tay ba giữa ngân hàng-doanh nghiệp- đơn vị phát hành sử dụng công cụ TPDN để “rửa nợ xấu”. Theo đó doanh nghiệp (con nợ) bàn với ngân hàng (chủ nợ) thuê công ty chứng khoán vào “ tái cơ cấu nợ” bằng việc phát hành gói TPDN có giá trị lớn hơn hoặc bằng khoản nợ xấu. Ngân hàng chính là đơn vị mua gói trái phiếu đó, nhưng không trả “tiền tươi” mà được khấu trừ cho khoản nợ xấu mà doanh nghiệp đang nợ. Như vậy, không chỉ sạch nợ xấu mà ngân hàng còn được “ lại quả” trong khoản phí phát hành mà công ty chứng khoán thu ở mức thông thường 3,5-4% giá trị gói trái phiếu.

    Chính phủ, nhà điều hành làm ngơ ?

    Không thể nói rằng chính phủ, nhà điều hành không biết về những bất cập và rủi ro từ việc phát hành ào ạt TPDN, vì chính phủ đã có Nghị định 163/2018 qui định về việc phát hành TPDN; Ngân hàng nhà nước cũng có Công văn số 6128 ngày 23/8/2019 chấn chỉnh việc các ngân hàng trong việc phát hành TPDN và trước khi Covid hoành hành Chính phủ phát đi thông điệp sửa đổi nghị định 163/2018 theo hướng thắt chặt việc phát hành TPDN đặc biệt đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro, trong đó có BĐS. Nhưng có lẽ vì muốn giảm gánh nặng cho hệ thống tín dụng ngân hàng (dư nợ tín dụng hiện tại đã lên mức rất cao, chiếm khoảng 137% GDP), tránh đổ vỡ hệ thống ngân hàng mà nhà điều hành “ mắt nhắm mắt mở” lờ đi cho doanh nghiệp một cửa thoát thân.

    Với thực trạng phát hành TPDN ngày càng tăng, với những qui định thông tiền, thoáng hậu của Nghị định 163/2018 và với những cơn say bắt đầu lan rộng của số lượng các nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng (6% năm 2017; 10% năm 2019 và 17% quý I/2020) với thời gian đáo hạn trung bình 3 năm của những làn sóng phát hành đầu vào năm 2017-2018. Có thể thời gian tới sẽ có những đợt bùng phát mạnh mẽ của TPDN để “trả nợ đậy” cho các gói phát hành trước đây, để rửa nợ xấu ( sau khi hết thời gian 5 tháng (từ tháng 3/2020) khoan, dãn nợ của gói hỗ trợ tín dụng covid; để chuyển rủi ro tài chính sang các nhà đầu tư nhỏ lẻ....

    Điều gì chờ đón các trái chủ đáng kính đang say thính, say mồi. Xin vui lòng theo dõi bài viết tiếp theo.

    * Chia sẻ độc quyền của tác giả Nguyễn Đỗ Việt - Chuyên gia Tài chính

    TOP