Lái Thiêu - Trái tim của thành phố Thuận An

  • Thứ hai, 22:23 Ngày 28/12/2020
  • Lái Thiêu là một phường của thành phố Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương và là một trong những cửa ngõ đến phía Bắc của miền Đông Nam Bộ.

    Phía Đông của Lái Thiêu giáp phường Bình Hòa; phía Đông bắc giáp phường Thuận Giao; phía Tây giáp phường Thạnh Lộc, quận 12 và xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. HCM qua sông Sài Gòn; Bắc giáp phường Bình Nhâm và phía Nam giáp phường Vĩnh Phú.

    VỀ TÊN GỌI ĐỊA DANH LÁI THIÊU

    Lái Thiêu có vị trí địa lý rất thuận tiện cho việc làm ăn buôn bán, nơi có hệ thống giao thông thuận lợi vừa đường bộ vừa đường thủy, nhất là mạng lưới đường thủy với dòng chảy sông Sài Gòn hầu như nối liền với cả vùng đất phương Nam sang tận Campuchia. Ngay đến tên gọi Lái Thiêu đã cho thấy có sự dính dáng tới nghề buôn bán với từ “Lái” (như lái buôn, thương lái). Câu chuyện truyền rằng: trước kia có một thương lái làm ăn thua lỗ, quá tuyệt vọng nên đã tự thiêu (có người cho là ông lái gốm họ Huỳnh thiêu nhà vì say rượu) cho nên có địa danh Lái Thiêu.

    Cũng có tích kể rằng có một ông lái tên Theo tự bỏ tiền mua tre lá dựng lên một dãy trại để các thương lái tránh mưa nắng khi cất hàng lên bán, dần dần ngày càng đông trở thành chợ, gọi là chợ Lái Theo (tức là chợ của ông Lái Theo). Người bên Phú Long nhóm chợ thưa thớt hơn trước nên ghen ăn tức ở bèn cho người thiêu rụi chợ Lái Theo. Sau đó, người Tân Thới cất lại chợ trên nền chợ bị thiêu, từ đó gọi là chợ Lái Thiêu.

    NGƯỜI HOA TẠI LÁI THIÊU

    Hội quán Triều Châu Lái Thiêu

    Hội quán Triều Châu của người Hoa ở Lái Thiêu

    Những câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ tên gọi Lái Thiêu mặc dù không có cứ liệu hoặc một di tích nào gọi là xác thực nhưng dẫu sao, tên gọi Lái Thiêu cũng có liên quan đến quá trình hình thành một trung tâm mua bán sầm uất, trong đó không thể không kể đến những đóng góp rất lớn của những thương lái đến từ Trung Hoa. Người Hoa có tài buôn bán rất giỏi nên điểm đến của họ phải là nơi thuận tiện giao thông hoặc thuận tiện giao thương buôn bán, Lái Thiêu chính là nơi lý tưởng của họ.

    Quan Đế Miếu Lái Thiêu

    Miếu thờ Quan Công của người Hoa tại Lái Thiêu

    Có thể nói, cùng với người Việt, người Hoa đến Lái Thiêu góp phần phát triển vùng đất này trở thành một trung tâm thương mại sầm uất. Điều này đã được minh chứng rất rõ khi Lái Thiêu đến đầu thế kỷ XX đã được đặt làm “thương chính” bên cạnh các thương chính như Thủ Dầu Một và Búng.

    CHỢ LÁI THIÊU

    Chợ Lái Thiêu ra đời gắn liền sự hình thành và phát triển vùng đất Lái Thiêu. Chợ Lái Thiêu tọa lạc nơi “tụ điểm giao lưu cả đường thủy lẫn đường bộ chợ phát triển nhanh, trở thành một chợ đầu mối thu hút thương lái từ khắp nơi đổ về.

    Chợ trên sông ở Lái Thiêu

    Việc mua bán trên sông ở chợ Lái Thiêu vẫn còn tồn tại đến ngày nay

    Trước kia, chợ Lái Thiêu đứng vị trí thứ 3 của tỉnh Bình Dương giữ vai trò quan trọng đối với mua bán và trao đổi hàng hóa, chỉ sau chợ Thủ Dầu Một và chợ Búng. Còn theo quyển niên giám Đông Dương năm 1912 thì chợ Lái Thiêu đứng đồng hạng với các chợ sung túc phía đồng bằng như Ô Môn, Bình Thủy (Cần Thơ) và đứng vào hàng thị tứ quan trọng bậc 2, ngang với các tỉnh lỵ Trà Vinh, Thủ Dầu Một...

    Chợ Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương)

    Chợ Lái Thiêu

    Hiện nay, chợ Lái Thiêu nhìn từ trên cao trông như hình thang với đáy nhỏ là đường DT 745, đáy lớn là đường Phan Đình Phùng, hai cạnh bên là đường Châu Văn Tiếp dọc theo sông và đường DT 745. Con đường DT 745 co gặp lại tại bùng binh Lái Thiêu tạo thành một góc của hình thang với đường xương cá Trưng Nữ Vương trong lòng chợ.

    Mặt chính của chợ Lái Thiêu hiện nay là hướng Tây so với hình thể chợ quay mặt ra đường Phan Đình Phùng với bãi giữ xe phía trước và có các cửa hiệu bán giày dép, tạp hóa, tiệm vàng. Ngôi chợ Lái Thiêu mới này có kiến trúc và hướng khác với ngôi chợ khi xưa. Khi xưa, chợ Lái Thiêu có mặt chính quay về hướng Bắc (đường DT 745), lưng quay ra phía sông thuận lợi cho việc bốc dỡ hàng hóa từ dưới sông lên.

    Nhiều cửa hiệu, tiệm ăn ở Lái Thiêu của người Hoa đến nay vẫn còn như tiệm chụp hình Tân Quang, chú Hưởng (Hưởng Ký), nhà thuốc Vĩnh Sanh Đường, …

    Cầu Phan Đình Phùng (Lái Thiêu)

    Cầu Phan Đình Phùng ở Lái Thiêu 

    Vùng đất Lái Thiêu đã định hình và phát triển đến ngày hôm nay hơn 300 năm. Thời gian hơn 300 năm để hình thành và mở rộng cho vùng đất có nhiều dấu ấn lịch sử trong tiến trình mở cõi về phương Nam của cha ông không phải là ngắn hay quá dài. Trong khoảng thời gian ấy, vùng đất này đã tiếp biến văn hóa của nhiều địa phương trên cả nước nói chung và nước ngoài nói riêng để hình thành nên bản sắc văn hóa Bình Dương hôm nay và trở thành một trong những địa phương sầm uất nhất của tỉnh Bình Dương và là trái tim của thành phố Thuận An.

    Quang Nguyễn

     

  • TOP